Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ vừa tiếp
nhận một trường hợp hiếm gặp, Bệnh nhân nam T.H.S 71 tuổi ngụ tại Hậu Giang vào
viện vì lí do nghẹt sonde tiểu.
Khai thác bệnh sử bệnh nhân và người nhà, bệnh nhân
đã được chẩn đoán tăng sản tuyến tiền liệt cách đây 3 năm nhưng bệnh nhân không
điều trị thường xuyên, bệnh nhân tự đặt sonde tiểu tại nhà, khoảng 2-3 tháng mới
thay sonde tiểu một lần. Sonde tiểu lần này đã được đặt khoảng 2 tháng.
Cùng ngày nhập viện thì bệnh nhân thấy sonde tiểu
không ra nước tiểu, bệnh nhân tự ý cắt ống để rút sonde tiểu tại nhà nhưng
không rút được, đau căng tức vùng hạ vị nên nhập viện
Qua thăm khám ghi nhận: tổng trạng gầy, đau
căng tức hạ vị, cầu bàng quang (+), sonde tiểu kẹt trong niệu đạo không rút ra
được. Kết quả siêu âm và chụp cắt lớp vi
tính ghi nhận: Dày thành bàng quang dạng bàng quang chống đối, nhiều máu cục, sỏi
bàng quang kết thành cụm trong lòng bàng quang, thận ứ nước 2 bên, tăng sản tuyến
tiền liệt. Bệnh nhân được chẩn đoán: Bí đái do sonde tiểu nghẹt đóng sỏi/Sỏi
bàng quang - Tăng sản tuyến tiền liệt.
Sau đó bệnh nhân được mổ cấp cứu với ê kíp phẫu
thuật: BSCKII. Nguyễn Trung Hiếu, BS Lê
Thanh Bình, BS Nguyễn Văn Nghĩa, mở bàng quang lấy sỏi và sonde tiểu bị kẹt.
Phẫu thuật thành công lấy được nhiều viên sỏi bàng quang kích thước lớn nhất 3cm,
nhiều máu cục trong bàng quang, đầu sonde tiểu bị kẹt do đóng rất nhiều sỏi to.
Hiện tại sau phẫu ngày 2 bệnh nhân có sinh hiệu ổn, sonde tiểu trong, ống dẫn
lưu bàng quang ra da hoạt động tốt, vết mổ khô.
Mở bàng quang để
lấy ống sonde tiểu bị kẹt
Sỏi bàng quang
và sonde tiểu bị tạo sỏi xung quanh
Theo PGS
Đàm Văn Cương sonde tiểu cần được đặt bởi nhân viên y tế trong điều kiện vô
khuẩn, được hướng dẫn tư vấn và chăm sóc tại nhà đúng cách, thời gian đặt sonde
tiểu từ 1-2 tuần phải thay ống mới để hạn chế biến chứng nhiễm khuẩn, sỏi đóng
quanh ống ...
Việc tự thay ống, không tuân thủ thời gian đặt
sonde tiểu sau đó có thể tạo sỏi trong bàng quang, thời gian lâu hơn có thể tạo
sỏi quanh ống gây viêm nhiễm đường tiết niệu, người bệnh bị đau thường xuyên,
đi tiểu gắt, buốt... Vì vậy khi phát hiện bệnh người bệnh cần điều trị tại bệnh
viện, tuân thủ việc tái khám, lịch hẹn của Bác sĩ để kiểm tra, tránh trường hợp
như trên xảy ra.
BSCKII. Nguyễn Trung
Hiếu
TRUNG TÂM TIẾT NIỆU và HIFU