I. Đại cương
Đa polyp tuyến gia đình (FAP) là bệnh di truyền hiếm gặp (1/10.000 – 1/30.000 ca), đặc trưng bởi sự phát triển hàng trăm đến nghìn polyp tuyến ở đại trực tràng, khởi phát từ tuổi thiếu niên. Bệnh do đột biến gen APC (di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường), được mô tả lần đầu năm 1888. Tuy nhiên, mãi đến năm 1925, Lockhart-Mummery mới chính thức công bố báo cáo chi tiết về bệnh này. Nếu không điều trị, gần 100% bệnh nhân tiến triển thành ung thư đại - trực tràng trước tuổi 40.
Ngoài tổn thương đại tràng, FAP làm tăng nguy cơ mắc polyp dạ dày-tá tràng, u desmoid, cùng các ung thư khác như nguyên bào gan, tuyến giáp. Việc xác định gen APC năm 1991 đã mở ra kỷ nguyên chẩn đoán sớm (xét nghiệm gen), giúp can thiệp kịp thời (nội soi định kỳ, phẫu thuật dự phòng), cải thiện đáng kể tiên lượng và chất lượng sống cho người bệnh.
II. Phân loại và cơ chế di truyền
1. Phân loại
FAP gồm hai dạng chính:
- FAP điển hình: Xuất hiện >100 polyp từ tuổi thiếu niên, phân bố nhiều ở đại tràng sigma và trực tràng. Nếu không điều trị, gần như 100% bệnh nhân sẽ tiến triển thành ung thư đại trực tràng trước 40 tuổi.
- FAP thể nhẹ (AFAP): Có số lượng polyp ít hơn (10-100), xuất hiện muộn hơn (20-25 tuổi), chủ yếu ở đại tràng phải. Nguy cơ ung thư thấp hơn FAP điển hình và xuất hiện muộn hơn.
Ngoài polyp đại - trực tràng, FAP còn gây nhiều biểu hiện ngoài ruột như polyp dạ dày-tá tràng, u desmoid, u gan, u xương, u tuyến yên, bất thường mắt (CHRPE), và ung thư tuyến giáp. Những biểu hiện này đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi bệnh, đòi hỏi sự phối hợp điều trị đa chuyên khoa.
2. Cơ chế di truyền
FAP là một rối loạn di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường, chủ yếu do đột biến gen APC (Adenomatous Polyposis Coli) trên nhiễm sắc thể 5q21-q22.
Khoảng 75-80% trường hợp được di truyền từ cha mẹ, trong khi 20-25% là do đột biến mới, không có tiền sử từ gia đình.
III. Chẩn đoán
Chẩn đoán FAP dựa trên triệu chứng lâm sàng, nội soi đại - trực tràng, hình ảnh học và xét nghiệm di truyền. Việc phát hiện sớm giúp giảm nguy cơ ung thư đại - trực tràng.
1. Lâm sàng
Triệu chứng tiêu hóa: Tiêu chảy, táo bón, đau bụng, chảy máu trực tràng.
Triệu chứng toàn thân: Thiếu máu do mất máu mạn, sụt cân.
Biểu hiện ngoài ruột: U xương (osteomas), CHRPE, u tuyến thượng thận, polyp dạ dày - tá tràng.
Tiền sử gia đình: Khoảng 70-80% bệnh nhân có người thân mắc FAP, nguy cơ di truyền 50%.
2. Cận lâm sàng
Nội soi đại - trực tràng: Tiêu chuẩn vàng, giúp phát hiện và sinh thiết polyp (khuyến cáo tầm soát từ 10-15 tuổi khi có tiền sử gia đình mắc FAP).
CT/MRI ổ bụng: Đánh giá tổn thương ngoài ruột và phát hiện ung thư tiến triển.
Nội soi dạ dày - tá tràng: Kiểm tra polyp đường tiêu hóa trên.
3. Di truyền học
Xét nghiệm gen APC: Phát hiện đột biến ở 80-90% FAP điển hình.
Xét nghiệm gen MUTYH: Cần thiết khi không phát hiện đột biến APC, đặc biệt trong AFAP.
Các gen khác (POLE, POLD1, NTHL1): Cân nhắc khi không tìm thấy đột biến APC và MUTYH.
IV. Điều trị
Điều trị FAP đòi hỏi một cách tiếp cận đa chuyên khoa, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của biểu hiện bệnh ở đại - trực tràng và ngoài ruột, cũng như các yếu tố cá nhân như tuổi, tình trạng sức khỏe và mong muốn cá nhân. Mục tiêu chính của điều trị là ngăn ngừa sự phát triển của ung thư đại - trực tràng và quản lý các biến chứng ngoài ruột
1. Điều trị nội khoa
Mặc dù phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chính, các biện pháp điều trị nội khoa được sử dụng để làm chậm sự phát triển của polyp và giảm nguy cơ ung thư:
* Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
- Sulindac giảm số lượng adenoma gần 50% và kích thước adenoma khoảng 65% trong các nghiên cứu nhỏ. Tuy nhiên, adenoma tái phát khi ngừng sử dụng thuốc.
- Celecoxib: ở liều cao đã chứng minh khả năng giảm 30% gánh nặng adenoma, đặc biệt là những người không thể phẫu thuật ngay lập tức.
* Hóa trị liệu
Curcumin và eicosapentaenoic acid (EPA). Hai chất này làm giảm số lượng và kích thước của polyp đại - trực tràng. Tuy nhiên, cần có thêm các nghiên cứu quy mô lớn và dài hạn để xác định hiệu quả và tính an toàn.
2. Điều trị phẫu thuật
Điều trị ngoại khoa là phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân FAP nhằm loại bỏ hoàn toàn các polyp và ngăn ngừa sự phát triển của ung thư đại -trực tràng.
* Điều trị tại đại – trực tràng
- Mục tiêu điều trị: loại bỏ các polyp có nguy cơ hóa ác ở đại – trực tràng trên bệnh nhân FAP
- Phương pháp: phẫu thuật nội soi (PTNS) hoặc mổ mở. Tuy nhiên, việc áp dụng PTNS điều trị FAP có những ưu điểm như: vết mổ nhỏ, tính thẩm mỹ cao, ít đau, thời gian hồi phục nhanh mà còn cho kết quả về mặt ung thư học tương tự so với mổ mở.
- Tại Cần Thơ, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ là một trong những cơ sở y tế hàng đầu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đã tiên phong trong việc áp dụng phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ đại tràng cho bệnh nhân FAP từ năm 2012 cho đến nay, đã được nhiều kết quả đáng khích lệ.
* Điều trị ngoài đường tiêu hóa
Polyp dạ dày – tá tràng: Nội soi tiêu hóa trên giúp phát hiện và theo dõi polyp.
U desmoid: Theo dõi sát, phẫu thuật khi xâm lấn mạch máu, kết hợp ức chế tyrosine kinase.
V. Kết luận
Đa polyp tuyến gia đình (FAP) là bệnh di truyền nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Với sự tiến bộ của y học hiện đại:
• Xét nghiệm gen giúp chẩn đoán từ giai đoạn chưa có triệu chứng.
• Phẫu thuật dự phòng và theo dõi định kỳ là "chìa khóa" ngăn chặn ung thư.
Hành động ngay hôm nay: Nếu gia đình có tiền sử FAP, hãy đăng ký tư vấn khám và nội soi tầm soát tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Aelvoet A S, Pellisé M, Bastiaansen B A J, et al (2023), "Personalized endoscopic surveillance and intervention protocols for patients with familial adenomatous polyposis: the European FAP Consortium strategy", Endosc Int Open, 11(4), pp. E386-e393.
2. Aggarwal A, Goyal S, Aggarwal S (2020), "Iron-deficiency anemia among adolescents: A global public health concern", International of Advanced Community Medicine, 3(pp. 35-40
3. Menon G, Carr S, Kasi A (2024), "Familial Adenomatous Polyposis", StatPearls, StatPearls Publishing Copyright © 2024, StatPearls Publishing LLC., pp. 39-45
4. ML D E M, Tonelli F, Quaresmini D, et al (2017), "Desmoid Tumors in Familial Adenomatous Polyposis", Anticancer Res, 37(7), pp. 3357-3366.
5. Monahan K J, Bradshaw N, Dolwani S, et al (2020), "Guidelines for the management of hereditary colorectal cancer from the British Society of Gastroenterology (BSG)/Association of Coloproctology of Great Britain and Ireland (ACPGBI)/United Kingdom Cancer Genetics Group (UKCGG)", Gut, 69(3), pp. 411-444
Nguồn: Khoa Ngoại tổng hợp – Dương Diệp Thiên Phú